BĐS nghỉ dưỡng – “Sân chơi” của những ông lớn

Với quần thể biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Resort & Villas, Tập đoàn Vingroup áp dụng chính sách chia sẻ lợi nhuận lên tới 85% từ việc cho thuê lại và cam kết sinh lời tối thiểu 10%/năm trong 10 năm. Đặc biệt lần đầu tiên, chỉ từ 2 tỉ đồng, nhà đầu tư có thể sở hữu căn biệt thự biển khi kết hợp đồng thời hai chính sách vay vốn từ Ngân hàng và đồng sở hữu. “Ông lớn” này hiện đang đi đầu trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam với hàng loạt các dự án: Vinpearl Resort; Vinpearl Bãi Dài Nha Trang, Vinpearl Phú Quốc…

Điểm tên những ông lớn trên “sân chơi” bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam:

Tập đoàn Vingroup

Là một đơn vị dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực địa ốc, với Vingroup, trong năm qua các dự án bất động sản của tập đoàn này vẫn được triển khai đều đặn pử khắp các tỉnh thành trong cả nước với nhiều hạng mục như: bất động sản nhà ở thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại.

Tại Hà Nội, nơi các dự án bất động sản nhà ở của Vingroup tập trung nhiều nhất, tính đến hết năm 2015, tập đoàn này đã sở hữu quỹ đất khổng lồ, với số lượng căn hộ, biệt thự lên tới hàng chục nghìn căn.

Điều thú vị là, dù chào bán dày đặc, tất cả các dự án đều có quy mô lớn, nhưng dòng tiền thu được từ bán hàng của Vingroup vẫn ở mức rất lớn, với tỷ lệ hấp thụ cao. Đặc biệt hơn, các dự án của Vingroup đều sở hữu một đặc điểm chung là sớm trở thành tâm điểm chú ý của mỗi khu vực khi dự án đi vào hoạt động.

Không chỉ “ghi điểm” trên địa bàn Hà Nội, tại Tp.HCM, Vingroup cũng đang chứng tỏ ưu thế trong lĩnh vực nhà ở. Cùng với đó là hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại các địa phương trên cả nước. Đối với phân khúc bất động sản, Vingroup không chỉ tạo ra những quần thể nghỉ dưỡng lớn, đẳng cấp, mà các sản phẩm nghỉ dưỡng thuộc các quần thể này cũng có sức hấp dẫn đáng kể với thị trường.

Triển khai nhiều dự án, các dự án có quy mô lớn, ở đẳng cấp khá cao, luôn tạo ra dấu ấn và đặc biệt là được thị trường đón nhận ở cả phân khúc nghỉ dưỡng lẫn nhà ở thương mại là đặc điểm nổi bật của Vingroup.

Hiện tại, cách bán hàng của Vingroup liên quan đến cam kết lợi nhuận tại các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã được nhiều doanh nghiệp học theo, nhưng làm được như Vingroup lại không hề đơn giản, bởi cái thị trường còn cần là uy tín – điều các chủ đầu tư lại không dễ làm được trong ngày một ngày hai.

vinpearl-bai-dai-nha-trang

Vinpearl Bãi Dài Nha Trang

FLC Group

Tại Hà Nội, trong vòng một năm qua, số dự án khởi công, mở bán rất nhiều. Và ngoài Vingroup, trong năm 2015, trong khi nhiều doanh nghiệp bất động sản khác vẫn chật vật bán hàng, thì với hơn 4.000 căn hộ và biệt thự ra mắt thị trường trong năm 2015, FLC dường như là doanh nghiệp duy nhất có sản phẩm chào bán “cháy hàng” ngay trong ngày đầu tiên mở bán.

Ở phân khúc nhà ở thương mại, các dự án của FLC hầu hết là các dự án riêng lẻ, nhưng mang đặc điểm chung là có vị trí đẹp, nằm ở khu vực có tỷ lệ hấp thụ thuộc top cao nhất của Hà Nội, như các dự án FLC Complex 36 Phạm Hùng, FLC Garden City, FLC Greenhome… Ngay dự án tháp đôi FLC Twin Towers tại 265 Cầu Giấy, chưa cần phải chào bán, FLC đã có lượng đăng ký đặt mua xấp xỉ số căn dự kiến sẽ chào bán.

Hiện tại, ngoài những dự án chung cư đã công bố, FLC còn sở hữu hàng loạt dự án khác tại Hà Nội, với tổng số hơn 10 tòa căn hộ cùng nhiều dự án nhà liền kề, biệt thự… với một đặc điểm giống như các dự án đã công bố, là đều được thị trường quan tâm, nhiều đơn vị trung gian đăng ký mua lại.

Ngoài mảng nhà ở thương mại tại Hà Nội, tương tự Vingroup, FLC cũng sở hữu các quần thể dự án nghỉ dưỡng tại các địa phương khác, với tổng mức đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng như: Thanh Hóa (FLC Sầm Sơn Beach & Golf Resort), Bình Định (FLC Quy Nhơn Beach & Golf Resort), Vĩnh Phúc (FLC Vĩnh Thịnh Resort), quần thể sân golf tại Quảng Bình, sắp tới là Quảng Ninh… chưa kể dự án nhà ở tại Thanh Hóa.

Ở phân khúc này, FLC đã tạo được dấu ấn cho chính mình và địa phương, khi trở thành người đi đầu biến tiềm năng du lịch tại các địa phương trở thành hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và địa phương. Với FLC Sầm Sơn, chỉ trong một thời gian ngắn đi vào hoạt động, quần thể dự án này đã thu hút hàng chục nghìn lượt khách, trở thành tâm điểm du lịch của Thanh Hóa, tạo được doanh thu khá lớn khi hàng trăm biệt thự đã được thị trường tiếp nhận ngay lần đầu tiên mở bán.

Không ở vị thế hút cầu áp đảo thị trường, nhưng FLC được cho là người hiếm hoi theo sát dấu chân người khổng lồ Vingroup, ngược lại với số đông doanh nghiệp ngồi im nhìn thị trường tăng trưởng. Trong cuộc phân hạng thị trường khốc liệt, FLC đã tự đưa mình ra khỏi số đông doanh nghiệp có xu hướng ngày một co lại, để bước chân vào nhóm những ông lớn trong ngành bất động sản.

Cách mà doanh nghiệp này áp dụng để tạo nên thành công là thần tốc và hiệu quả. Năm qua, FLC không chỉ tạo nên những kỷ lục về tiến độ thi công mà còn liên tiếp phá kỷ lục của chính mình. Chỉ vài tháng sau khi lập kỳ tích thi công nhanh 9 tháng với quần thể FLC Sầm Sơn, tập đoàn này đã lập kỷ lục thế giới với sân golf FLC Quy Nhơn sau 5 tháng thi công. Kết thúc năm tài chính 2015, FLC là một trong số ít những doanh nghiệp đầu tiên công bố lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng.

FLC cũng đang từng bước “cắm mốc” tại các địa danh giàu tiềm năng dọc theo dải bờ biển miền Trung. Chỉ trong vòng hai năm qua, hàng tỷ USD đã được tập đoàn này rót vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Thanh Hóa, Bình Định và tới đây sẽ là Quảng Bình, Quảng Ninh.

Novaland

Nếu ở phía Bắc, Vingroup được coi là người thống lĩnh thị trường bất động sản nhà ở, thì tại khu vực miền Nam, Novaland cũng là cái tên được nhắc đến gần đây, với lượng sản phẩm bán ra khổng lồ trong vòng 3 năm nay, cùng quỹ dự án lớn.

Với hàng chục dự án trải khắp các địa bàn Tp.HCM, như Sunrise City, Suriseview, Sunrise Riverside, Golden Mansion, Orchard Parkview, Newton Residence, Duxton Residence, The Sun Avenue, The Botanica, RiverGate, Lucky Palace, Lucky Dragon… khiến khách hàng tại thị trường này bắt đầu rơi vào cảm giác “ra ngõ gặp Novaland”.

Ở khu vực phía Nam, thị trường không rơi vào tình trạng phân hạng mạnh như khu vực phía Bắc, nhưng phía sau Novaland, các doanh nghiệp bất động sản khác dù vẫn bán hàng được, nhưng tốc độ phát triển chậm hơn, và ở quy mô nhỏ hơn rất nhiều.

Sun Group

Ở mảng bất động sản nghỉ dưỡng, ngoài Vingroup, FLC, năm 2015, Sun Group là cái tên được thị trường biết đến với hàng loạt dự án đầu tư vào Đà Nẵng (Bà Nà Hills, InterContinental Sun Peninsula Resort…).

Tại Quảng Ninh, Sun Group cũng đang đầu tư mạnh với hệ thống cáp treo xuyên vịnh Hạ Long. Hệ thống cáp treo này nằm trong tổ hợp dự án 6.000 tỷ đồng bao gồm một quần thể công viên trên núi, khu vui chơi giải trí trên đồi, vòng quay khổng lồ, và một thủy cung lớn phía dưới chân bờ vịnh Hạ Long.

Ngoài ra, tập đoàn này cũng đang và sẽ đầu tư vào các địa phương khác như Lào Cai, Phú Quốc.

Với việc đầu tư cáp treo tại các khu du lịch lớn kết hợp với các dự án nghỉ dưỡng cao cấp, Sun Group đã đồng thời mở ra ghi dấu ấn của mình, khi mở ra những mảng thị trường du lịch mới, đồng thời các dự án này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các du khách, biến những điểm du lịch tuyệt đẹp của Việt Nam trở nên dễ tiếp cận hơn với du khách.

Với lượng khách khổng lồ đã đến với Sun Group trong suốt các năm qua, doanh nghiệp này đang chứng tỏ vị thế ngày một lớn của mình trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, với một hướng đầu tư rất riêng tại Việt Nam.

Dự án Vinpearl Bãi Dài

(Tổng hợp)